Suối cá thần thứ 2 tại Thanh Hóa

Suối cá thần thứ 2 tại Thanh Hóa

Các tour du lịch khuyến mại

Việc xuất hiện suối “cá thần” thứ 2 tại Thanh Hóa đang tạo ra nhiều luồng thông tin khác nhau, khiến cho suối “cá thần” càng trở nên kỳ bí. (Hiện nay, tại Thanh Hóa có đến 3 Suối cá thần )

Suối “cá thần” thứ 2 phát hiện nằm tại khu vực núi Đóng, thuộc địa phận Thôn Dùng, xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thuỷ có tên gọi là suối cá Mó Đóng. Tên gọi suối cá thần Mó Đóng, có nghĩa là ở tại khu vực núi Đóng có khe nước chảy ra sông và người Mường thường quen gọi khe nước là Mó nước. Tại Mó nước này có “cá thần” sinh sống quanh năm suốt tháng nên mới có tên suối “cá thần” Mó Đóng.

Có mặt tại khu vực suối “cá thần” Mó Đóng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì sự xuất hiện của hàng ngàn con cá lượn lờ tìm ăn trong bán kính Mó Đóng chỉ rộng chừng 200 m2. Thỉnh thoảng có vài con phi lên khỏi mặt nước khi có ai đó ném bất kỳ vật gì xuống suối.

Muốn vào hang núi Đóng nơi có loài cá trên sinh sống, người dân có thể đi vào bằng 3 cửa. 2 của trên hông núi, không có nước, 1 cửa bên dưới nơi loài cá vẫn thường ra vào gọi là Mó Đóng.

Chưa kịp hỏi về nguồn gốc loài cá ở suối "cá thần", một cụ già 72 tuổi ở thôn Dùng, xã Cẩm Liên đã cho biết: “Loài cá này có từ lâu lắm rồi, cũng chẳng ai biết là từ khi nào nữa và cũng không bao giờ ở đây hết cá. Năm 1959, khi bộ đội đóng quân ở đây đã nổ mìn bắt cá ăn, nhưng cũng có hết được đâu, càng ngày lại càng nhiều cá hơn”.

Loài cá ở suối "cá thần" Mó Đóng có tên gọi là cá Dốc, thân cá giống y như cá trắm, vây đỏ, má đỏ, ăn tạp và nặng tới 6 - 7kg, con nhỏ thì cũng 300 gram.

Cá Dốc xuất hiện nhiều nhất vào khi trời sáng, đến tầm 5 - 6 giờ chiều, khi mặt trời nhá nhem là lại rủ nhau vào hang trú ẩn.

Có điều lạ là loài cá này không bao giờ bơi ra khỏi khu vực Mó Đóng, dù khe nước chảy ra cánh đồng của xã và đổ ra sông Mã. Kể cả khi trời lụt lội, nước cao tràn cả ra ngoài thì chúng cũng không hề bơi đi nơi khác. Những con cá đã bơi ra ngoài rồi cũng sẽ chết ngoài mương khi không tìm được đường về.

Mó Đóng nước rất mát trong. Hàng ngày, người dân trong thôn vẫn thường giặt giũ, rửa rau cỏ tại đây. Có người khi rửa rau vô ý để cá nhảy vào rổ rau lại phải nhẹ nhàng bê con cá Dốc nặng 4 - 5 kg thả ra ngoài.

Đặc biệt là nếu mang gà ra suối Mó Đóng thì rất khó làm thịt vì cá Dốc luôn túc trực bên cạnh đợi người cho gà xuống suối rửa là thi nhau bơi vào rỉa, khiến người dân khiếp sợ, không dám mạo hiểm vì sợ…mất gà.

Nhưng đối với những đứa trẻ nơi đây khi lội xuống Mó Đóng thì loại cá này bơi lượn quanh chân rất thân thiện, rồi vùng vẫy như những người bạn tri ân lâu ngày mới gặp.

Cá Dốc ở suối Mó Đóng nhiều như vậy nhưng không ai dám đánh bắt để ăn. Cùng lắm họ cũng chỉ lấy nước dùng cho sinh hoạt gia đình. Theo người dân nơi đây cho biết là nếu bắt cá ở suối "cá thần" là "có tội" nên ai đó “gan” to đến đâu cũng không dám "mạo phạm”.

Đa số người dân sống ở đây đều là người dân tộc Mường. Dù cuộc sống của họ thiếu thốn nhưng nhất quyết không ai bắt cá để ăn, họ xem cá như người bạn trong cuộc sống hàng ngày.

Suối cá thần thứ 2 tại Thanh Hóa đạt 4.14 / 5 với 14 đánh giá