Nói đến Thung Nai Hòa Bình mọi người thường hay liên tưởng tới một “ Hạ Long trên cạn”. Ngày trước, Thung Nai là một vùng đất khá trù phú, nơi sinh sống của người Mường, là một trong những xứ Mường nổi tiếng của đất Hòa Bình, xứ Mường Thàng. Sau khi làm xong thủy điện, nước sông Đà dâng lên ngập khắp các thung lũng, lên tận lưng chừng những đỉnh núi đá vôi, tạo nên các đảo nhỏ, huyền ảo như Hạ Long trên cạn thứ hai ở miền Bắc sau Tam Cốc – Bích Động ở tỉnh Ninh Bình.
Khi sông Đà chưa ngăn dòng làm thủy điện, Thác Bờ - ghềnh Hoa rất hiểm trở, dữ dằn, thuyền bè qua lại bị đắm nhiều. Dân cất công lập nên Đền Bà chúa để cầu mong bà che chở, phù hộ cho những chuyến xuôi ngược, đánh cuộc tính mạng với sông Đà.
Đền nằm trong khu vực Thác Bờ giữa dòng sông Đà thuộc xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc. Đền Bờ gồm có đền Trình (đền Chúa) và đền Chầu (đền ông Chẩu). Trên đền thờ hội đồng các quan, thờ Đức Đại Vương Trần Triều, thờ Chúa Thác Bờ và thờ Sơn Trang, nhưng chủ yếu vẫn là thờ hai bà Chúa Thác người Mường và người Dao.
Theo truyền thuyết, đền thờ bà chúa Thác Bờ là Đinh Thị Vân – người Mường và một bà người Dao ở Vầy Nưa, có công giúp vua Lê Lợi về quân lương, thuyền mảng vượt thác Bờ tiến quân lên Mường Lễ, Sơn La dẹp loạn đảng Đèo Cát Hãn. Sau khi mất, hai bà thường hiển linh giúp dân vượt thác an toàn, phù hộ cho trăm dân trong vùng mưa thuận, gió hòa. Bởi vậy, nhân dân trong vùng phong cả hai là Bà chúa Thác Bờ và lập đền thờ phụng.
Khi thủy điện Hòa Bình hoàn thành thì đền thờ cũ chìm dưới hàng chục mét nước của thủy điện Hòa Bình. Đền thờ Bà Chúa Thác Bờ ngày nay được lập bên trên nền của đền thờ cũ, Hàng năm nhất là vào dịp đầu xuân năm mới, rất nhiều lượt du khách khi đi du lịch Hòa Bình ghé vào Đền Bà Chúa cầu tài cầu lộc cầu bình an cho gia quyến.
Đền Thác Bờ phía tả ngạn thuộc huyện Đà Bắc nằm trên đỉnh đồi Hang Thần ở xóm Phố Bờ. Từ dưới bến thuyền du khách phải leo hơn 100 bậc, sau đó theo một triền dốc thoải mới mới đến nơi. Đền gồm 3 gian, mái đền bằng bê tông cốt thép, được thiết kế theo kiểu vòm cuốn và kiến trúc mặt bằng hình chữ đinh gồm: nhà Đại bái và nhà Hậu cung, phía trước đền gồm 5 cửa (ngũ quan). Hiện nay tại di tích này còn lưu giữ được một quả chuông đồng được đúc vào tháng 2, năm Thành Thái thứ 6.
Đền Thác Bờ phía hữu ngạn huyện Cao Phong tọa lạc trên sườn đồi Sầm Lông, thuộc xóm Đền. Trước đây đền Thác Bờ chủ yếu được dựng lên từ tranh, tre, nứa, lá ngay dưới chân Thác Bờ. Sau này, nước dâng cao do Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên Sông Đà khởi công xây dựng nên ngôi đền phải di rời lên sườn núi ngay cạnh bờ sông. Vào mùa khô muốn thăm đền, du khách phải leo bộ hết 108 bậc. Nhưng vào mùa mưa nước dâng lên sát nền móng đền, khách có thể lên thẳng khi thuyền bè cập bến.
Đền Bà Chúa Thác Bờ tuy không hoành tráng, đồ sộ như nhiều nơi khác nhưng vẫn rất uy nghi và nổi tiếng linh thiêng. Nơi đây có địa thế phong thủy hài hòa và hùng vĩ, sau lưng là núi, trước mặt là sông nước hữu tĩnh, thuyền bè qua lại. Lễ hội Đền Bờ diễn ra từ ngày 7 tháng giêng và kéo dài tới hết tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên, ngay từ tháng Chạp, nơi đây đã tấp nập dòng người đổ về lễ tạ, khiến tàu thuyền đậu kín các bến cảng.
Người đi lễ sẽ cầu nguyện ở đền Trình rồi lên đền Chúa, mỗi ngôi đền nằm trên một hòn đảo cách xa nhau khoảng gần 20 phút đi thuyền. Vừa đi lễ, vừa thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình của vô vàn đảo đá nhấp nhô trên mặt nước, du khách sẽ thấy lòng mình bình yên. Hành lễ xong, khó ai có thể cưỡng lại sự hấp dẫn của những xiên cá nướng sông Đà vàng ruộm, thơm lừng bày bán phía chân đền.
Khi đã ấm lòng và thụ hưởng lộc dâng, chuyến du xuân sẽ tiếp tục với hành trình du lịch lòng hồ sông Đà và mãn nhãn với tiên cảnh trong lòng động Thác Bờ. Cả rừng nhũ đá trong động đua nhau mọc lên, vươn xuống, với vô vàn hình thù lạ mắt khiến du khách đến thăm không khỏi sững sờ, choáng ngợp. Trong động có đặt bàn thờ Quan thế âm Bồ tát, Phật tổ quan âm và Bác Hồ, bạn cũng có thể thành tâm lễ viếng.