Làng bản cao nhất Việt Nam ở Ngải Thầu Thượng, Bát Xát, lào Cai

Làng bản cao nhất Việt Nam ở Ngải Thầu Thượng, Bát Xát, lào Cai

Các tour du lịch khuyến mại

Ngải Thầu Thượng, ngôi làng (Bản) cao nhất Việt Nam

Ngải Thầu Thượng -Y Tý-Bát Xát- Lào Cai là ngôi làng (bản) nằm ở độ cao 2.300 m so với mực nước biển, trước đây thuộc xã Ngải Thầu. Từ ngày 1/3/2020 do sáp nhập xã Ngải Thầu vào xã A Lù, Ngải Thầu Thượng là 1 bản làng thuộc xã A Lù, Huyện Bát Xát Tỉnh Lào Cai. Ngải Thầu Thượng là bản cao nhất Việt Nam.

Ngải Thầu tiếng địa phương là “mũi đá”, nhô ra trên đỉnh núi Ma Cha Va hùng vĩ bốn mùa sương trắng, gió trời lồng lộng, quanh năm mây mù. Ngải Thầu Thượng là điểm săn mây nổi tiếng nhất Việt Nam

Trước đây, nơi này như một ốc đảo lạnh buốt, trơ trụi và khô khát trên đỉnh Ma Cha Va hiểm trở, đầy bí ẩn, chỉ những chàng trai người H’Mông cưỡi xe mô-tô Minsk hay xe Win 100 máy khỏe, gầm cao vượt dốc “ngựa ngã” Chin Chu Lìn để lên “mũi của mũi đá” Ngải Thầu Thượng. Đường khó, điện lưới không, sóng viễn thông chưa tới nhưng 85 hộ người H’Mông ở đây vẫn kiên gan bám trụ, chân đạp đá, đầu đội mây, chịu nắng lửa, tuyết rơi, gió gào để sinh sống, thành bản thành làng, giữ đất đai biên giới.

Cuộc sống tại bản cao nhất Việt Nam vùng biên Ải

Chương trình nông thôn mới, làm con đường bê-tông nông thôn dài hơn 7 km, xe ô-tô có thể đi từ “dốc ngựa ngã” năm nào đến tận đỉnh trời Ma Cha Va nên cuộc sống của đồng bào ở Ngải Thầu Thượng đã khởi sắc hơn. Người dân nơi đây “chắc tay, vững chân” xây dựng bản làng no ấm. Nhà nước làm cho đường trục chính, bà con bảo nhau góp công sức làm đường liên gia đến từng nhà, để trẻ con đi học, thanh niên chở hàng hóa đi bán, người già đi thăm nhau dễ hơn.

Theo già làng Thào A Sử, “Bây giờ thì lớp con, cháu ở mũi đá Ngải Thầu Thượng có thêm nhiều cách làm ra tiền rồi, như trồng sâm đất, dược liệu, nuôi ngựa. Ruộng bậc thang ông cha để lại thì giữ cho tốt, trồng thêm rừng tống quá sủ để phủ xanh giữ nguồn nước lâu bền, làm thêm bờ rào đá, nhà trình tường đất, nuôi gà đen để người dưới xuôi, người Tây đến chơi, ăn cơm “khẩu nậm xíp”, mua sâm đất Hoàng Sin Cô, mua thổ cẩm bản mình làm ra. Người H’Mông mình bảo nhau làm du lịch cộng đồng theo định hướng và hỗ trợ của huyện và tỉnh thì sẽ nhanh giàu hơn”

Nhớ những năm trước, Thào A Thếnh là người đầu tiên làm căn nhà hai tầng, theo kiến trúc nhà người H’Mông, nằm giữa Ngải Thầu Thượng, để đón và phuc vụ khách đi du lịch Y Tý.  Đó là “đốm sáng” để lan tỏa cách nghĩ, cách làm mới, nhằm khai thác thế mạnh cảnh quan và bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đất và con người nơi đây, để phát triển du lịch. Thì nay, trưởng thôn Thào A Sử thông báo tin vui, huyện đã phê duyệt quy hoạch làng du lịch cộng đồng, lấy bảo tồn cảnh quan rừng tống quá sủ; kiến trúc nhà truyền thống người H’Mông và nghề đan lát, làm thổ cẩm từ cây lanh, nhuộm chàm và in sáp ong; trồng sâm đất và nuôi gà đen, nuôi ngựa núi để xóa nghèo hiệu quả và bền vững ở mũi đá Ngải Thầu này.

Đôi chân quấn xà cạp tung hoành, tạo nên lối đi đến tận cả những đỉnh núi cao nhất, hoang vu nhất. Câu nói của già làng Thào A Sử: “Không có một ngọn núi nào cao bằng đầu gối người H’Mông ta” đầy tự tin và kiêu hãnh. Họ thật sự là những cột mốc sống nơi biên cương Tổ quốc.


Làng bản cao nhất Việt Nam ở Ngải Thầu Thượng, Bát Xát, lào Cai đạt 4.15 / 5 với 15 đánh giá